Giáo phận Đà Nẵng

Giáo phận Đà Nẵng – Danh sách linh mục giáo phận đà nẵng

Giáo phận Đà Nẵng (tiếng Latin: Dioecesis Danangensis) là một giáo phận Công giáo Rôma ở Việt Nam. Giáo phận Đà Nẵng được thành lập ngày 18 tháng 01 năm 1963 (tách ra từ Giáo phận Qui Nhơn) do sắc chỉ “In vitae naturalis similitudinem” của ĐGH Gioan XXIII.

Tính đến năm 2017, địa giới giáo phận rộng 11.694,5 km², bao gồm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Giáo phận hiện có 72.495 giáo dân, 110 linh mục (Triều: 86 vị + Dòng: 24 vị), 50 giáo xứ và 8 giáo họ biệt lập có linh mục coi sóc.

Giám mục chính toà tiên khởi là Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (1963-1988). Các vị kế nhiệm là: Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Quang Sách (1988-2000); Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh (2000-2006); Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri (2006-2016).

Giám mục đương nhiệm là Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, nhậm chức giám mục giáo phận từ ngày 12 tháng 4 năm 2016.

Khi được chia tách từ Giáo phận Quy Nhơn (18/01/1963), Giáo phận Đà Nẵng chỉ gồm 2 giáo hạt là Đà Nẵng và Tam Kỳ.

Ngày 15/5/1965, trong phiên họp Hội Đồng Linh Mục đầu tiên của Giáo phận, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã thiết lập thêm một giáo hạt mới là Hội An, miền đất có nhiều sự kiện lịch sử, là cái nôi truyền giáo đầu tiên của Giáo hội Việt Nam.

Đến ngày 11/4/1971, bản đồ Giáo phận có thêm một giáo hạt nữa có tên gọi là Hoà Khánh (từ sau năm 1975 đổi tên là Hoà Vang).

Tháng 12/2006, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri lập thêm một giáo hạt mới mang tên gọi của linh địa Trà Kiệu, Trung Tâm Thánh Mẫu của Giáo phận. Như thế, theo dòng biến chuyển của thời gian, phù hợp với nhu cầu mục vụ, tình hình dân cư, địa l‎ý nên hiện nay, Giáo phận được phân chia thành 5 giáo hạt : Đà Nẵng (gồm 11 giáo xứ và Toà Giám mục thuộc nội thành Đà Nẵng), Hoà Vang (gồm 11 giáo xứ và 1 giáo họ biệt lập ngoại thành các quận Liên Chiểu và huyện Hoà Vang thuộc Thành phố Đà nẵng), Hội An (gồm 9 giáo xứ, 1 giáo họ và Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận trong địa bàn các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn của thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam), Trà Kiệu (gồm 9 giáo xứ trong địa bàn các huyện : Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc, và Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam), và Tam Kỳ (gồm 10 giáo xứ và 2 giáo họ biệt lập trong địa bàn thành phố Tam Kỳ, các huyện : Thăng Bình, Núi Thành, Hiệp Đức, Tiên Phước tỉnh Quảng Nam).

Về mặt tổ chức giáo xứ, thi hành sắc lệnh “Tông Đồ Giáo Dân” (số 26) của công đồng Vatican II và Tự Sắc “Giáo hội Công Giáo của Chúa Kitô” (Catholicam Christi Ecclesiam) của Đức Giáo hoàng Phaolô VI (30/5/1971), Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã công bố Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ và tổ chức cải tổ Hội Đồng Giáo xứ theo Quy Chế mới. Ngày 22/8/1971, Giáo phận tổ chức Đại hội Giáo dân cấp Giáo phận, và chính tay Đức Cha Phêrô Maria trao văn bằng bổ nhiệm cho các thành viên tân cử của các Hội đồng Giáo xứ mới. Ngày 26/7/2013, với Nghị định số 2/2013-NĐ, Đức Cha Giuse Châu ngọc Tri ban hành quy chế mới và đổi tên gọi Hội Đồng Giáo xứ thành Hội Đồng Mục vụ Giáo xứ với cơ chế tổ chức như sau :

– Ban Thường Vụ gồm Trưởng Ban, Phó Ban, Thư ký, Thủ Quỹ

– Các Uỷ viên đặc trách các Giáo họ, các ban mục vụ của Giáo xứ.

– Thống nhất tên gọi các đơn vị thuộc Giáo xứ là : Giáo họ (thuộc Giáo xứ) và Giáo khóm (thuộc Giáo họ)

Trung tâm hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu của giáo phận Đà Nẵng, nằm ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 38 km, gần thánh địa Mỹ Sơn. Từ thế kỷ IV-VIII, Trà Kiệu xưa là kinh đô đầu tiên của nước Chiêm Thành. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Trà kiệu trở thành một làng Công giáo của nhóm người từ miền bắc Trung phần theo đà Nam tiến vào lập nghiệp.

Từ năm 1596-1602, Trà Kiệu được cha Raphael (dòng Augustinô – Bồ Ðào Nha) đến rao giảng Tin Mừng. Năm 1628, một nhóm người di dân Công Giáo đã xây dựng ở đây ngôi nhà thờ đầu tiên. Năm 1722, giáo xứ Trà Kiệu có tới 300 giáo dân. Năm 1872, cha Louis Marie Garibert Lợi xây một nhà thờ lớn hơn.

Năm 1885, sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành, phong trào Cần Vương nổi dậy tại nhiều tỉnh miền Trung với khẩu hiệu “Bình Tây, Sát Tả”. Ngày 1-9-1885, quân Cần Vương khoảng hơn 8,000 người bao vây giáo xứ Trà Kiệu với vũ khí đầy đủ, có cả đại bác thần công và voi chiến. Về phía giáo dân, chỉ có hơn 300 nam, tuổi từ 16 tới 60; và khoảng mấy trăm phụ nữ với vũ khí thô sơ. Giáo dân khiếp sợ chạy đến nhà thờ cầu xin Ðức Mẹ và đã chống trả quyết liệt trong suốt hơn 10 ngày. Trong lúc chiến đấu, giáo dân cùng hô khẩu hiệu Giê-su – Ma-ri-a – Giu-se. Ngày 11-9-1885, Ðức Mẹ hiện ra đứng trên nóc nhà thờ đề bảo vệ và che chở đàn con: “Bà đứng trên nóc nhà thờ xua vạt áo đỡ đạn cho giáo dân”. Cuộc chiến kéo dài đến 21-9-1885 thì quân Cần Vương bỏ chạy, giáo dân được giải thoát.

Ðể tỏ lòng biết ơn, giáo dân Trà Kiệu đã trùng tu lại ngôi thánh đường, nơi Ðức Mẹ đã hiện ra, từ 1889-1892 và được Ðức cha F.X. Van Camelbecke Hân khánh thành. Ngôi thánh đường hai tầng hiện nay được xây lại vào năm 1970 để ghi ơn Đức Mẹ dưới tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu.” Ngày 31-5-1971, Ðức Giám Mục Phêrô Phạm Ngọc Chi đã đặt Trà Kiệu là Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận Ðà Nẵng. Hiện nay, mộ phần của ngài nằm sát bên hông nhà thờ Trà Kiệu.

Từ khi Mẹ hiện ra (1885) đến nay, Đức Mẹ Trà Kiệu nổi tiếng là linh thiêng, kẻ lương người giáo đều đến cầu khẩn và nhiều người đã được sở nguyện như ý. Cỏ cây quanh đền thờ nhờ ơn Đức Mẹ thông ban, đã công hiệu chữa nhiều bệnh tật.

Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu- Trung tâm hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu ngày càng thu hút các đoàn hành hương đến đây, cùng với việc kính viếng Đức Mẹ Trà Kiệu, họ còn có thể tham quan hai Di Sản Văn Hóa Thế Giới là Mỹ Sơn và Hội An tọa lạc khá đều hai bên Đông-Tây của Trà Kiệu, cũng như viếng Đền Thánh kính Chân Phước Anrê Phú Yên gần đó tại Phước Kiều, nơi Ngài đã đổ máu như người chứng thứ nhất của Giáo Hội Việt Nam vào năm 1644. Ngoài ra, mộ phần của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi tại Vườn Nghĩa cạnh Nhà thờ Giáo xứ Trà Kiệu, cũng là nơi được nhiều khách hành hương tìm đến kính viếng.

Hằng năm, Giáo phận Đà Nẵng tổ chức ngày Đại Hội Hành Hương tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu vào ngày Lễ Đức Mẹ Đi Viếng, 31/5 Dương lịch. Sau hai năm thì tổ chức Đại hội một lần. Con cái mẹ xa gần nô nức kéo về Trà Kiệu, lòng hân hoan vui sướng khi được ở bên Mẹ. “Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, Mẹ đầy ơn phước và quyền năng” xin che chở con trên mọi nẻo đường.

Danh sách linh mục giáo phận đà nẵng mới nhất

Linh Mục Phêrô Nguyễn Châu Hải, SSS

Linh Mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán, PSS

Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Duy Lượng

Linh mục Vinh Sơn Hoàng Quang Hải

Linh Mục Giuse Vũ Dần

Linh mục Phanxicô Xaviê Đặng Đình Canh

Linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng

Linh Mục Giuse Đinh Công Hạnh

Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Thông

Linh mục Gioakim Trần Kim Thượng

Linh Mục Giuse Nguyễn Trung Thành

Linh mục Giuse Cao Văn Cường

Linh mục Phêrô Lê Hưng

Linh Mục Giuse Nguyễn Trí Dũng

Linh mục Phaolô Đoàn Quang Dân

Linh mục Phêrô Nguyễn Đệ

Linh mục Gioan Baotixita Trần Ngọc Tuyến

Linh mục Gioan Baotixita Võ Quang Khải

Linh mục Phaolô Trần Ngọc Hoàng

Linh mục Phaolô Lê Tấn Kính

Linh mục Đa minh Đặng Bá Linh

About The Author

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *